Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

Thưởng thức trà đạo - Nét văn hóa trong ẩm thực Nhật Bản

Nói đến nghệ thuật thưởng thức trà đạo là chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Mặt trời mọc, nó không chỉ là thứ đồ uống thông thường mà còn là một môn nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét truyền thống của văn hóa Nhật Bản. Trong văn hóa Nhật Bản, Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12.



Thói quen uống trà có công dụng giúp thư giãn, sảng khoái tinh thần và củng cố sức khỏe. Sự hấp dẫn đặc biệt về hương vị đã thu hút người dân Nhật Bản đến thói quen thưởng trà. Nhiều tài liệu ghi chép lại cho rằng cách thức uống trà của người Nhật Bản cũng giống Trung Quốc, chủ yếu là thưởng ngoại phong cảnh, đối ẩm. Những vùng trồng trà thường diễn ra các cuộc thi (toucha) để tìm ra nguồn nguyên liệu ngon nhất.

Cuối thế kỷ thứ 15, một nhân vật có tên Murata Jukou – học trò của thiền sư Ikyu, thuộc phái thiền Rinzai lập nên trường phái đầu tiên về uống trà để thi đấu toucha, gọi là wabicha, nghiêng về tinh thần và sự giản dị.

Chỉ một loại nguyên liệu duy nhất sử dụng cho nghi thức trà đạo là bột trà xanh với tên gọi matcha.
Cũng theo ý tưởng này, cuối thế kỷ 16, một người Nhật Bản khác có tên Senno Rikyu đã kết hợp việc uống trà với các triết lý thiền, tiếp tục lập nên cách uống mới và đặt tên cha no yuu. Sau này, cách thức pha và uống cha no yuu dần hoàn thiện, trở thành nghệ thuật, đổi tên thành sadou (hay còn gọi là chadou), nghĩa là trà đạo ngày nay.

Trong nghệ thuật trà đạo, hương vị của thức uống thực tế không đóng vai trò quan trọng như tên gọi. Chỉ một loại trà duy nhất dùng cho nghi thức là bột matcha, có vị đắng, thanh mát.

Theo cuốn Văn hóa học, đối tượng chính của trà đạo Nhật Bản chính là thao tác pha từ người thực hiện và cách uống của thực khách. Hầu như cả người pha và uống đều không quá quan tâm đến hương vị trà dù rất tôn trọng sản phẩm này. Điều quan trọng là hòa mình vào thiên nhiên mộc mạc, đơn sơ do họ tạo ra và để tâm trí tĩnh lặng.

Không gian thực hiện nghi thức Trà đạo

Khi đàm đạo thông qua uống trà thông thường, mọi người cần một không gian thoáng đãng, họ cần không gian đẹp để việc thưởng thức trà mang lại thêm niền sảng khoái. Không gian đẹp cộng với sự bày trí sang trọng đem lại sự tự tin và hãnh diện cho chủ nhà. Không gian đẹp, cảnh đẹp, bộ dụng cụ uống trà đẹp thì chắc chắn trà sẽ rất ngon.


Thế nhưng, việc thực hiện nghi thức Trà đạo Nhật bản lại được thực hiện trong một không gian nhỏ với các bày trí như sau:

Nơi thực hiện nghi thức Trà đạo được gọi là trà thất (Chashitsu) nằm trong các khu vườn thanh tịnh. Phòng trà là phòng kiểu Nhật (Washitsu), được xây dựng từ vật liêu chính là gỗ. Nền là những tấm thảm tatami (giống như tấm chiếu cói của Việt Nam). Lối vào các trà thất thường nhỏ hẹp, được ghép thành từ các viên đá lớn. Cách bày trí bên ngoài và bên trong trà thất rất đơn giản, mộc mạc và thô sơ. Bên trong thường có treo một bức tranh thủy mặc hoặc một câu thư pháp nơi hốc tường, kèm với 1 bình hoa cắm theo kiểu ikebana.

Việc thực hiện trà thất với khung cảnh và chất liệu hoàn toàn gần gũi thiên nhiên mộc mạc, cho thấy nghi thức Trà đạo rất phù hợp với triết lý hoà hợp thiên nhiên của Thiền. Con người là tiểu vũ trụ, thiên nhiên là đại vũ trụ và con người sẽ sống thật nhất với bản chất của mình khi con người hoà vào thiên nhiên, tức là tiểu vụ trụ hoà vào đại vũ trụ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét